Trong số 8 kiến trúc sư được đề cập ở quyển sách mà "ai cũng biết là quyển nào đấy" của Rafael Moneo, James Stirling làm tôi bối rối nhất. Có lẽ là bởi vì tôi còn chưa quen với Hiện đại mới, hoặc có lẽ là do tôi gà mờ nhưng tiếp cận của ông ấy không quá đặc trưng, theo nghĩa là dễ khái quát quá làm thành đặc điểm. Cho nên, có một thời gian tôi thấy ngại phải nói về ổng.
Chỉ đến một buổi khuya tối trời, ở trong tình thế "nguy cấp", tôi mới vỡ ra những phân tích của Moneo. Đặc biệt với câu chuyện mặt cắt. Mà tôi nghĩ đúng ra trong tình thế cụ thể của Stirling, có nên chăng gọi đó là tiết diện. Còn nhớ plug-in "follow me" dùng trong Sketch-up, nó gần giống với cách Stirling làm kiến trúc, ít nhất là ở trong giai đoạn đầu. Khi ông nghĩ rằng mình có thể làm mới Hiện đại bằng mặt cắt thay cho mặt bằng vốn vẫn được các nhà Hiện đại tận dụng triệt để. Thực tế là trước hiện đại thì chưa hề có phương pháp thiết kế bằng mặt bằng, các KTS thời trước thiết kế bằng các yếu tố kiến trúc và mặt bằng chỉ là sự thể hiện bản vẽ. Ngạc nhiên chưa?
Trở lại với James Stirling và "mặt cắt" của ông ấy.
Bởi vì sử dụng "mặt cắt" như là phương pháp kiến tạo không gian ở công trình ký túc xá cho Selwyn Collage của Cambridge, câu chuyện đường biên như là một kết quả tất yếu được thiết lập. Kiến trúc được tạo ra từ việc "dẫn dắt" một mặt cắt tuân theo lưu tuyến. Cách tiếp cận này có khả năng gây ra sự nhàm chán nhưng không phải đối với James Stirling người đã rất nhạy cảm phân biệt mặt trong "cầu lõm" bằng cách ghép kính và mặt ngoài "cầu lồi" bằng các khối đặc chứa lõi giao thông và phụ trợ với vật liệu đề xuất là gạch xây.
Nhờ bởi các bề mặt cong gãy khúc đã cung cấp khả năng cho ánh sáng tán xạ cộng với sương mù của nước Anh khiến cho kính trở nên "solid" nghĩa là vật chất, là đặc. Đồng nghĩa với việc đẩy nó ra khỏi khái niệm của sự trong suốt, của sự rỗng không hay vô tận mà Mies hay Le Corbusier vẫn quen khai thác. Hãy xem những bức ảnh James Stirling chụp thời còn đang định hình bản thân sẽ thấy, ông nhìn kính chưa bao giờ như một vật liệu trong suốt, nhẹ bông.
Moneo nói rằng Leon Krier đã ảnh hưởng đến cái nhìn kiến trúc của Stirling giai đoạn sau, mở rộng mối quan tâm của ông ra môi trường đô thị. Hoặc cũng có thể Statsgalerie in Stuttgart của ông là sự tham khảo Bramante chăng? Cortile del Belvedere?
No comments:
Post a Comment