Xã hội đương đại vẽ trong mặt bằng của Kazuyo Sejima

Platform 2, Kazuyo Sejima

Louis Kahn đã phát biểu “mặt bằng là xã hội của các phòng" (Plan is the society of rooms). Nhà phê bình nghệ thuật của bảo tàng đương đại ở Kanazawa khi viết về Kazuyo Sejima trên El Croquis số 99 nhận định rằng “Một mặt bằng luôn phản ánh cái nhìn của một người (kiến trúc sư) về thế giới”. Nhìn vào những “lập trình" tân kỳ gây kinh ngạc trong mặt bằng của Sejima, đặc biệt là trong sự chối bỏ hệ lưới lý tính của chủ nghĩa hiện đại, ta có thể “đọc” được hình ảnh của một xã hội tiêu thụ trong dòng chảy thông tin ồ ạt. Ở đó, hạt nhân của xã hội không còn là “gia đình truyền thống" nhưng là các cá nhân. Không còn ở trong mối quan hệ có tính cộng đồng được quy tụ bởi chủ nghĩa nhân văn, các cá nhân là những mảnh vỡ khác biệt bị ném thô bạo vào trong những dòng chảy.

Ngay từ những công trình đầu tiên - Platform I và II, nữ kiến trúc sư đã nêu một tuyên ngôn xã hội gần như là sự phê phán đối với mô hình The Nomad Girl của Toyo Ito. Khi vẫn còn học việc trong xưởng, Sejima nhìn thấy ở mô hình nói trên điểm gãy mà chính tại chỗ đó sự kháng cự với người thầy bắt đầu vón cục. Bà thể hiện thái độ phê phán mạnh mẽ với thứ kiến trúc đóng kín tính cá nhân với môi trường bên ngoài của Ito. Thông qua Platform I và II với tên gọi mà chúng đề xuất, kiến trúc trở thành những “sàn diễn mở” dành cho sự tự do của chuyển động. Về điểm này, nếu như Platform I với hệ lưới mở - một chiều vẫn còn hạn chế, thì Platform II với kết cấu linh hoạt và các kết hợp hình thức chuyển động đa dạng hơn đã có thể kết nối mạch lạc con người và bối cảnh. Kiến trúc không phải là thứ vây hãm con người dù có theo cách nào đi chăng nữa, nhưng là môi trường cho sự chuyển động, xâm nhập và biến đổi - đó chính là xã hội mà Sejima quan sát thấy. Một căn nhà như kiểu U-White House, quay lưng về phía xã hội, đóng kín để tự chữa lành đã không còn phù hợp. Giờ đây, con người phải dũng cảm đối mặt với các vết thương hở của nó. 
Platform 1
Platform 2
The nomad girl, Toyo Ito

Kazuyo Sejima đã rất thành thực thừa nhận bà là một sản phẩm của xã hội đương đại, như một thực tế không thể tránh khỏi của mọi cá nhân khác trong xã hội. Tuy vậy, điều này không đồng nghĩa với việc kiến trúc sư buông xuôi để chấp nhận xã hội như cái-nó-là. Nếu như các dữ liệu đầu của kiến trúc là diện tích hình dạng khu đất và “chương trình” mong muốn của khách hàng là những yếu tố thực phát sinh từ các hệ thống xã hội được đặt sẵn vào tay người kiến trúc sư, kiến trúc phải được sử dụng như một công cụ để hé lộ thậm chí khai thác những giới hạn đa dạng. Thông qua quá trình này, xã hội hay văn hoá được nắm bắt một cách chủ động hơn, và từ đó đề xuất một cái nhìn chân thực hơn. 

Saishunkan Seiyaku Women's Dormitor

Ví dụ tiêu biểu là công trình Saishunkan Seiyaku Women's Dormitory, với mặt bằng không khỏi làm người ta nổi gai ốc bởi sự tước đoạt trắng trợn tính cá nhân, là phái sinh của mô hình nhà tù như liên tưởng của một số nhà phê bình. 88 nữ tập sự công nhân được xếp vào trong các căn buồng ký túc xá mở thẳng ra không gian sinh hoạt chung nơi mà không những bếp và bàn ăn nhưng cả bồn rửa mặt và nhà vệ sinh hết thảy đều bị lôi ra phía ngoài, phơi bày hoàn toàn trong không gian sử dụng chung thông suốt 3 tầng. Không những bản dạng người bị xâm phạm, ngay cả bản dạng giới với chiếc gương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với tính nữ cũng bị tước đoạt hoàn toàn. Dự phần vào cách bố trí “vô nhân tính" đó là vật liệu lãnh đạm thờ ơ: kính mờ của các căn buồng, gạch ốp sàn và các bề mặt ở trong sắc trắng tinh tươm đòi hỏi mức độ nghiêm ngặt trong việc giữ gìn vệ sinh chung. Điều này đồng thời lặng lẽ ám chỉ một thời gian biểu đồng bộ mà mọi người cam kết tuân thủ, với mục đích bảo toàn chút riêng tư duy nhất, khi mỗi người tập trung vào đúng phần việc được lên lịch thực hiện của mình. 


Thông qua cách quy hoạch mặt bằng này của người kiến trúc sư, một xã hội đồng bộ, hiệu quả dưới sự toàn trị của tư bản đã được hữu hình hoá. “Sự kiện" 88 nữ công nhân ở chung với nhau chỉ đơn thuần là một trong những hiện tượng lạ - vốn là “đặc sản" của các xã hội đương đại - Sejima đã nhận định sắc sảo như thế. Thêm vào đó, một tập đoàn tư nhân với môi quan tâm duy nhất là hiệu suất và lợi nhuận cũng không thể chỉ qua một công trình chấp nhận thứ triết thuyết vị nhân sinh ngoại lai. Nhưng thực tế khốc liệt nhất mà Sejima tin tưởng và chỉ ra cho chúng ta chính là sự phủ nhận hình ảnh lý tưởng về các “cư dân", con người không hề bình đẳng ở trong nhận thức và kéo theo đó là chênh lệch về quyền lợi. Chính trong sự hé mở có phần “cay đắng" của hệ thống xã hội này, kiến trúc của Sejima giới thiệu những sức ép vật lý đặt lên trên kiến trúc như là các khả thể để được khám phá, hơn là những hạn chế. 

Toyo Ito gọi công trình của Sejima là “kiến trúc giản đồ". Bởi lẽ các mặt bằng của bà trình bày những đường nét trong sáng và đơn giản, toàn thể được thống nhất bởi việc tổ chức những biểu tượng hỗn loạn ở trong một không gian đồng nhất, khớp nối chúng một cách rõ ràng trong một hệ thống. Các thiết kế dường như quá độ từ khâu giản đồ đến thẳng công trường, bỏ qua việc “quy hoạch”, không hề có một bước chuyển đắn đo là bởi ưu tiên lớn nhất dành cho sự chuyển động. Chính trong sự ưu tiên này mà khái niệm truyền thống của kiến trúc như là nơi cư ngụ bị phá vỡ, người ta không còn “ở” nữa. Điều này kéo theo sự xoá bỏ của khái niệm thời gian, của kiến trúc như là một tiểu vũ trụ mà ở đó thời gian biểu diễn đường đi của nó thông qua ánh sáng và bóng đổ đã không còn. Mặc dù công trình của Sejima vẫn chứa đựng các giới hạn vật chất của kiến trúc, nó đã đi xa về phía trừu tượng nhất, “Chúng ta chẳng cách nào khác cảm thấy như thể cơ thể chúng ta là những người máy trong không gian (của Sejima) nơi mà nhiệt độ, mồ hôi hay thậm chí mùi cơ thể còn không tồn tại.” - như nhận định của Toyo Ito. 

Không dừng lại, công trình của Sejima còn tiến tới từ bỏ khái niệm “nhà" - gia đình hạt nhân để từ đó cộng đồng được tạo thành. Thay vào đó, tính cá nhân bộc lộ rõ ràng, tiêu biểu trong sự xoá nhà các ranh giới riêng-chung của mô hình nhà ở truyền thống. Ngôi nhà ở trong rừng - Villa in Forest với 2 hình tròn lồng vào nhau lệch tâm nhấn mạnh mối quan hệ giữa làm việc (studio) và nghỉ ngơi, nhu cầu cơ bản bị rút gọn thành các buồng chức năng. Cùng lúc đó, ở bối cảnh đô thị, Casa Y giống như được đem qua một chiếc máy X-quang phơi bày hoàn toàn các hoạt động diễn ra bên trong, cho thấy tinh thần cấp tiến triệt để của chủ nhà. Kết quả là việc ở bị phơi bày như là một sự trình diễn mà vì thế ngập tràn những chuyển động, mà ở đó con người đương đại vừa bị động vừa chủ động tham gia vào. (còn tiếp) 

Villa in the Forest





No comments:

Post a Comment