Sự trang trí

Tôi vẫn thường thắc mắc tại sao những công trình của Louis Sullivan - “cha đẻ của chủ nghĩa hiện đại" lại có các hình thức trang trí ở mức biểu hiện cao đến thế. Điển hình là Guaranty building ở New York. Một “đặc sản” cao tầng tiêu biểu cho đô thị tư bản, mang vẻ ngoài điển hình kiến trúc được dựng nên từ các phương vị ngang và đứng. Cũng chính nơi đây tìm thấy các trang trí bề mặt bằng chạm nổi đất nung, ở trong mối quan hệ mật thiết với kết cấu công trình đến nỗi tựa hồ như chúng là một cơ thể sống động. Chẳng phải Louis Sullivan là người đã phát biểu rằng “form follow functions" hay sao?

Quả đúng Sullivan là tác giả của cả công trình lẫn phát biểu anh vừa nêu. Nhưng mâu thuẫn không nằm ở chỗ Sullivan, và nếu như chúng ta tiến vào xem xét tỉ mỉ. Thực tế là, Sullivan ủng hộ chủ trương cho một khả thể kiệt tác kiến trúc hoàn toàn vắng bóng trang trí. Nhưng đồng thời, ông cũng khăng khăng rằng không thể tách rời kiến trúc với trang trí của nó nếu như tổng thể hài hoà là kết quả của các tính toán cẩn thận và cân nhắc kỹ lưỡng (1). 

Hình thức - công năng

Critoboulus: Ta biết rằng, dù sao đi nữa, một tấm khiên được gọi là đẹp, cũng như thanh gươm hay chiếc giáo. 
Socrates: Làm sao như thế, những vật mà anh kể trên nào có giống gì nhau, vậy mà chúng đều được xem là đẹp hay sao?
Critoboulus: Nếu như, nhờ bởi thần Zeus, chúng được tạo tác hướng đến hoàn thành nhiệm vụ mà qua đó ta cầu viện chúng, hoặc nếu về bản chất chúng đáp ứng được nhu cầu của ta, vậy thì hết thảy chúng đều được xem là đẹp đẽ. 
- trích Symposium, Xenophon 

Xem ra mối quan hệ phức tạp giữa hình thức và công năng không hề là đặc thù riêng của ngành kiến trúc. Nó đã được đem ra thảo luận từ những ngày đầu tiên của nền văn minh Hy Lạp cổ đại. 

Đúng thế, và dẫu cho sau đó, cuộc tranh luận có kết thúc bằng phần thắng nghiêng về Socrates khi ông tự nhiễu nhại vẻ đẹp của mình, với đôi mắt lồi mà ông cho rằng sẽ giúp nhìn rõ hơn những vật ở biên cũng như đôi môi dày sẽ giúp ông hôn giỏi hơn, để chỉ ra lỗ hổng trong lập luận của Critoboulus. Thì cuộc tranh luận này vẫn tiếp diễn, mà đỉnh cao của nó như chúng ta đều được biết là tuyên bố của Louis Sullivan - cha đẻ của kiến trúc hiện đại: “Hình thức đi theo công năng. Đây là luật." (1) 

Cái đẹp

"Sức sống của nó vô biên, nó diễn tả một ham muốn không thể cưỡng lại được tự phô bày, không đòi đổi lại thứ gì, không mục đích, không nhờ tới cả biểu tượng lẫn ẩn dụ, không làm trò ráp nối miễn cưỡng lẫn liên tưởng; đó là cái đẹp tự nhiên ở dạng thuần khiết"
Linh Sơn, Cao Hành Kiện

1. Liệu con người có khả năng tạo ra cái đẹp? Hay đặc quyền ấy là của riêng tạo hoá? Phải chăng, bởi vì truyền thống của các triết gia Hy Lạp xem xét các môn nghệ thuật là chước tác (mimetic art), mà kiến trúc không gì hơn là cách thức con người mô phỏng thế giới tự nhiên. Chính vì lẽ đó, con người cũng chỉ dừng lại ở năng lực mô phỏng cái đẹp. Cực đoan như Plato, nếu như bản thân thiên nhiên tri giác được cũng chỉ đang đóng góp vào ý niệm của cái đẹp tuyệt đối, và vì thế mà chúng ta mãi mãi không bao giờ vươn tới được cái đẹp? 

Thư Newton - Boullee

Phóng tác từ đoạn trích To Newton (tr. 107) trong tác phẩm Architecture, Essay on Art - Etienne-Louis Boullee.


Newton Cenotaph, Etienne-Louis Boullee

Ôi bộ óc siêu việt!
Ôi thiên tài kiệt xuất thẳm sâu khôn dò!
Ôi hữu thể thần thánh!
Ôi Newton ngài ơi!
Xin hãy chiếu cố đến lòng tôn sùng qua chút tài hèn sức mọn!
A! Kẻ hèn nào dám công khai ở đây,
nếu như đã chẳng tự mình bị thuyết phục
rằng bản thân đã vượt thắng bản thân
trong công trình mà này đây xin mạn phép.

Biên độ trải nghiệm kiến trúc - Go Hasegawa


Vào mùa chim di thê, lúc những bầy vịt trời từng đợt bay ngang qua trời rộng, thì chúng gây nên những triều sóng dị thường tại những miền đất ở phía dưới dặm mây bay. Lũ vịt nhà, ngong ngóng nhìn lên, như dường bị nhiếp dẫn bởi đường bay lớn rộng của hàng ngũ vị trời xếp theo hình tam giác dìu dặt tiện gió lướt đi, lũ vịt nhà bỗng dang cánh sập sè vụng về đập nhảy. Tiếng gọi hoang vu đã đánh thức dậy nơi chúng những tàn tích hoang vu nào chẳng rõ. Và bỗng dưng trong một phút, lũ vịt như biến làm chim di thê thiên tẩy. Bỗng dưng trong cái đầu âm u bé bỏng cứng rắn kia, vốn chỉ ghi lại quẩn quanh những hình ảnh ao con, nước đục, sâu đen, chuồng tối, thoắt thôi bỗng trào dậy những cơn phiêu bồng thênh thang lục địa, hương vị những gió dàn trên mặt sóng mênh mông, những địa lý đại dương, những hoạ đồ đại hải … Con vật ngu ngơ vốn không biết rằng cái óc não bé bỏng của mình lại đủ rộng rãi để mang chứa được bao nhiêu là kỳ quan kiều diễm, thế mà đột nhiên nó đã đập cánh chịu chơi, khinh thường hột thóc, khi dễ sâu con, và muốn mình phải trở nên vịt trời hoang vu náo động.
Cõi người ta - Saint Epuxery, Bùi Giáng dịch.

VỊT VÀ TÚP LỀU

Vịt là loài gia cầm phổ biến và được ưa chuộng bởi vẻ ngoài cùng kiểu cách đáng mến. Nhưng chúng bay rất tệ. Trong những năm tháng loài chim hoang dã này được nuôi dưỡng và thuần hoá, thân hình của chúng dần trở nên nặng nề và đôi cánh dần cụt đi, đến khi chỉ bay được không hơn một vài mét. Giống như loài vịt từ bỏ khả năng tự do bay lượn trên bầu trời thênh thang, con người cũng làm vậy thông qua những túp lều (huts). Túp lều một mặt bảo vệ đời sống và gia đình của con người, nhưng đồng thời cũng trói họ vào một nơi chốn cụ thể và theo ngày tháng biến đổi cơ thể cũng như tinh thần của con người.

CHÚ GIẢI THUẬT NGỮ - Christian Kerez


Chú giải thuật ngữ của Christian Kerez, trích dịch từ tạp chí El Croquis 182.

THUẬT NGỮ VÀ ĐỊNH NGHĨA (Terms and Definitions)

Những dự án trông khác biệt nhau. Chúng cho thấy một quá trình điều tra đang tiếp diễn trong việc định hình không gian theo những cách khác biệt, thậm chí đối nghịch. Mỗi dự án đều phải đương đầu với những nguyên tắc thiết kế không gian. Điểm khác biệt giữa công trình này với công trình khác không phải là kết quả của cách tiếp cận theo hướng bối cảnh hay áp dụng có tính chương trình (programmatic) vào những điều kiện thay đổi. Mặc dù có sự khác biệt giữa một chương trình hay khu đất cho trước, các dự án vẫn liên quan với nhau theo một logic phi tuyến tính. Một vài dự án liên hệ với nhau thông qua những mối bận tâm chung, thông qua một nhu cầu chung cho một trải nghiệm cụ thể của không gian kiến trúc. Có thể sử dụng những thuật ngữ cụ thể để miêu tả đòi hỏi này, và đây là lý do vì sao văn bản giới thiệu này không xuyên suốt, nhưng đơn thuần là một tập hợp của những định nghĩa để làm rõ các thuật ngữ và giải thích sự liên hệ giữa các công trình.